Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

NGUYỄN MINH NỮU: HỒ ĐÌNH NGHIÊM : NHẬP TRIỀN THUỲ THỦ

 


Tôi đọc và biết tên Hồ Đình Nghiêm vào khoảng giữa năm 1998. Đó là thời điểm đầu tiên tôi tìm đọc các tác giả hải ngoại. Và như thế, tôi biết Hồ Đình Nghiêm rất trễ, vì ông bắt đầu viết và nổi tiếng từ lâu lắm rồi. Năm 1980, từ  trại tỵ nạn ở Hong Kong ông đã viết truyện đầu tay gửi đăng trên tạp chí Đất Mới bên Seattle, tờ báo do nhà văn Thanh Nam và Túy Hồng thực hiện. Sau đó, liên tục với các truyện ngắn đăng đều đặn trên các tạp chí văn chương nghệ thuật khác trên đất Mỹ. Ông nổi tiếng ngay vì lối viết mới và đầy sáng tạo trong thời điểm người Việt vừa chân ướt chân ráo nới vùng đất mới định cư. Tôi còn hơn thế nữa, đến Mỹ năm 1995, sau chiến tranh chấm dứt hơn hai mươi năm, vài năm đầu còn lao đao nơi ăn chốn ở, việc làm và chỗ học hành cho con cái để ổn định cuộc sống, và khi thực sự có được ngày nghỉ sau một tuần “sáng đi làm trời còn đang tối, chiều trở về mặt trời đã lặn”.

Một sáng thứ bảy, tìm đến nhà sách Thế Hệ ở khu thương mại Eden (Virginia) thảnh thơi nhìn các đầu sách tiếng Việt, các tờ tạp chí văn học đang xuất bản tìm cho mình một vài cuốn để đọc cho biết chút sinh hoạt văn học mà đã từ lâu dù yêu thích vẫn không còn chút dây dưa nào. Thời điểm 1998 đó, sau này nhìn lại mới thấy đó là thời điểm còn rất vàng son của nền văn chương hải ngoại, trên kệ sách, các tạp chí văn học xuất bản hàng tháng đều đặn như Văn, Văn Học , Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Làng Văn, các nhà xuất bản Đại Nam, Văn Nghệ, Tân Thư, Thời Văn, Văn Mới, Người Việt, Cành Nam… và nhiều nữa liên tục đưa ra các tác phẩm mới mà với những người mới định cư như tôi không đủ tiền để mua cho hết. Tôi chọn vài tờ tạp chí để mua, với lòng riêng là ít tốn kém mà lại đọc được nhiều.

Trong những tờ tạp chí đó, tôi bồi hồi khi đọc được những tên tuổi thời danh ngày xưa như Mai Thảo, Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Hoàng, Võ Phiến, Viên Linh, Luân Hoán, Hồ Trường An, Bùi Bảo Trúc… ngạc nhiên và rất thú vị với nhiều tên tuổi lạ (thực  ra đã rất quen thuộc với độc giả Việt trên đất Mỹ, chỉ lạ cho tôi là người mới định cư thôi) như nhà văn Trần Vũ ghi nhận trong một bài viết: “…Xuất hiện vô số người viết mới: Khế Iêm, Ngu Yên, Phạm Việt Cường, Phan Tấn Hải, Kiệt Tấn, Thường Quán, Cao Xuân Huy, Trịnh Y Thư, Nguyễn Ðức Lập, Nguyễn Ý Thuần, Hồ Ðình Nghiêm, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Trúc Giang, Trần Thị Kim Lan, Trần Thị Lai Hồng, Trân Sa, Lê Bi, Vũ Huy Quang, Trương Vũ, Thế Giang, Trần Vũ, Ðỗ Kh., Mai Kim Ngọc, Vũ Quỳnh Hương, Nhược Thủy (Y Chi)... Cũng chính trên diễn đàn này khởi đầu nền phê bình ngoài nước qua các bài viết đầu tiên của Thụy Khuê, Bùi Vĩnh Phúc và Nguyễn Hưng Quốc. Văn Học như thế đã ra đời trong hoàn cảnh vô cùng thuận tiện, với một nguồn nhân lực mới mẽ hùng hậu đang trong giai đoạn khởi viết”

Tác giả mà mới đọc lần đầu đã náo nức muốn tìm đọc thêm là Hồ Đình Nghiêm. Không thể nhớ rõ Truyện hay Chuyện nào của ông đưa tôi vào cảm mến lâu dài này, tôi đọc thật nhiều những tác phẩm của ông trên các tạp chí chứ chưa hề có trong tay một ấn phẩm nào, đọc say mê, thích thú, ngấm ngầm đồng cảm mà chưa tìm ra câu trả lời xuyên suốt là điều gì trong các tác phẩm của ông cuốn hút tôi. Mãi sau này, khi đọc bài trả lời phỏng vấn của ông với Quỳnh My trên trang Hồn Quê, tôi mới tìm thấy câu trả lời cho chính mình.

“Tôi là đứa ham vui, ít để tâm vào chuyện lớn bé nào. Dạo đó, lâu rồi, sau khi gửi cho tạp chí Văn Học đôi ba truyện ngắn tôi liền mở lời muốn in một tập truyện. Tuần sau, thầy Từ Mẫn của nhà Văn Nghệ "bật đèn xanh" và "Nguyệt Thực" chính thức chào đời. Cho đến giờ này, đôi khi tôi tự hỏi:" Mày là nhà văn đấy à? Có thật không đó cha?!" Dạ thưa, tôi có làm việc gì ghê gớm đâu?”

Lối viết của Hồ Đình Nghiêm là chân thành pha trộn vào bỡn cợt, cái nồng cháy của tình yêu thường diễn tả bằng dửng dưng, viết tự nhiên và nối kết suy nghĩ vào các liên tưởng thật ngẫu hứng. Những chi tiết nhỏ được Hồ Đình Nghiêm nhấn mạnh trong các truyện của ông, đẩy người đọc vào các liên tưởng để rồi nhận lại vào mình những cảm giác (đôi khi tác giả cũng không ngờ tới) và đó là cái thành công kỳ diệu trong các truyện của Hồ Đình Nghiêm.

Đây là một đoạn trích trong truyện Động của Hồ Đình Nghiêm:

Chàng trai từ phương xa tìm về nguyên quán, muốn tìm lại chút dấu tích thân thế gia đình, theo lời mách bảo của một bạn quen, đã tìm tới một động gái, tìm một cô gái bán hoa tên Tiên có cùng quê quán ngày xưa. Chủ động là một mụ tú bà thời chiến tranh từng là giao liên.

“Sau chỗ ngồi của người đàn bà có lộng kiếng một vuông giấy vàng ố, lem luốt. Gã thanh niên không đọc ra những con chữ viết lên đó. Nó tựa mảnh bằng tốt nghiệp bổ túc văn hoá, giống bằng ban khen bám trụ kiên cường. Hoặc giả là tờ môn bài hành nghề? Mọi thứ giấy má đều giống nhau, ở cái chỗ nó chẳng có giá trị gì cả. Thậm chí khi dùng để trang trí, nó làm xấu lây những đồ vật đứng gần. Giấy có giá trị thường nhỏ hơn và chủ nhân thì chôn cất nó kỹ lưỡng chẳng dại phô trương. Nó liền với khúc ruột, mất mát thì đau đớn đến chảy nước mắt, giậm cẳng kêu than.”…

“Chiếc áo của Tom vùng vằng thoát ra khỏi thân. Hắn ngồi yên, đón nhận cái độ nhún của tấm nệm đang chao đảo rồi bỗng ngừng bặt ở phiá sau. Hắn nghe tiếng cười khoái trá của gã đàn ông khuất mặt ở phòng bên cạnh vọng dội qua. Tiếng thét sắc ngọt của một giọng nữ. Xa hơn, thỉnh thoảng một chiếc xe gắn máy rầm rộ mang tiếng nổ hục hặc phóng ngang. Tom quay đầu, nhìn những sợi tóc rối vướng che trên mặt Tiên. Cô ta ngó tấm lưng trần của Tom:

  - Có thể ngày mai anh khỏi cất công lặn lội đi đâu cho xa.

  - Tiên nói sao?

  Hắn hỏi, ngó xuống cái bao condom vuông vắn sắc cạnh vẫn còn nằm trong tay. Hắn ném xuống mặt nệm.

  - Có thể tối nay anh sẽ sớm biết ngọn ngành về cái xuất xứ của mình.  Giọng Tiên ráo hoảnh.

  - Về hỏi má thử xem. Bả từng kể chuyện bom lửa đốt cháy nguyên cả cánh rừng, thằng con trai bả bị cháy xém một mảng lưng. Vết sẹo này có thể là cái căn cước của anh, không thể nhầm lẫn với ai khác.

  - Fuck...

  - Anh về hỏi bả thử đi. Can đảm mà đón nghe sự thật. Nếu muốn trả thù đời, cứ đè con Thúy Thanh ra mà xả oá. Tôi hết hứng thú rồi, cả ngày đi khách cũng đã hết xí quách.

  Tiên nói. Cô đi tới mở cửa. Trước khi đóng, thò đầu vào dặn:

  - Anh chỉ cần quẳng cho mẹ chủ khách sạn mười đô là mọi việc ô kê.

  Tom không có phản ứng. Hắn ngồi ôm đầu nghe tiếng rên từ phòng bên cạnh vọng qua. Tiếng chuyển động của thành giường va vào vách. Hắn ném chiếc gối vào khoảng trống:

  - Con đĩ mẹ mày. Má tao mà là chủ chứa sao?”.

Nhà thơ Luân Hoán, một người đồng cư với Hồ Đình Nghiêm ở Canada, nói về Hồ Đình Nghiêm là: “Anh bạn của tôi giàu thân tình nhưng khá lười biếng trong giao du. Cả năm, ai cần đến anh thì chịu khó điện thoại, không thì nhà ai nấy ở, tuyệt đối anh chẳng bao giờ gọi thăm ai”.

Một câu dễ hiểu như vậy, nhưng khi đọc chuyện của Hồ Đình Nghiêm tôi lại thấy là ông ta rất ít giao du ngoài đời thường là đúng, bởi vì thực tế ra trong từng bài viết của ông, ông đã giao du với quá nhiều người chưa từng gặp mặt ông. Đọc Truyện hay chuyện của Hồ Đình Nghiêm cái cảm giác đầu tiên nhận được là sự gần gũi bởi lối hành văn thân mật và bối cảnh câu chuyện như chính mình đã từng tham dự, kế tiếp là cuốn hút bởi những suy nghĩ bộc trực, thông minh và nhiều mới lạ, bật cười với những lời liên tưởng bông lơn và thoáng chút gì chua chát dấu đằng sau. Và thực sự là như đang ngồi bất kỳ đâu đó trong quán cà phê, bên lề đường, gần góc phố cùng với một bạn thân chuyện trò phóng khoáng, và có cả bông lơn như:

… “Bản thân tôi, tuy cùng sinh hoạt trong một mái nhà nhưng chẳng mấy khi gần gũi nó. Tôi không hợp tính nó. Tôi qúi và nể anh tôi hơn. Anh là một nhà văn. Có lần tôi đọc được trong nhật ký của anh một vài dòng ngắn thật lý thú. Anh kể lại chuyện đi khám bệnh của anh.

 - Thưa bác sĩ, đêm qua mắc mưa tôi bị ướt như chuột lột, rét run tựa thằn lằn đứt đuôi, nằm co quắp như tôm, ho như gà...

 - Anh qua phòng bên cạnh, nơi đó mới có bác sĩ thú y...

  Ở trang khác, anh viết chữ bay bướm, lời lẽ rất lộng ngôn: "Giờ chúng ta mới biết tại sao phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới. Bởi vì họ không phải chịu đựng các bà vợ".(Mộng Lệ An)

Hoặc là:

“Khi tôi gọi xong ly cà phê và chọn được cái bàn có hai ghế trống thì bạn tới. Bạn tôi nằm trong danh sách những người thôi lao động ở trường đời, ăn tiền già, ăn hưu non hoặc hưởng một thứ trợ cấp nào đó từ chính phủ quan tâm đoái hoài chi viện. Tiền bạc rủng rỉnh tuy chẳng dư thừa nhưng thời gian thì giàu sụ chẳng biết cách tiêu cho hết. Rất đại gia. Đó là những ca sĩ nghiệp dư chỉ biết hát có đôi bài tủ, đại loại: Ôi, ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu… Hoặc: Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa… Rất thân bại danh liệt.” ( Chia Tay)

Chắc phải thêm một thí dụ nữa về cách tỏ tình của nhân vật trong truyện của Hồ Đình Nghiêm:

- Nếu được nên cho tôi thử một lần rồi sau đó hãy định lượng tới sức lực. Người ta sẽ xả thân lo việc mà chẳng hề mệt nếu họ ý thức đó là niềm hạnh phúc. Trúc có hiểu về chữ tình yêu không?

- Là cái gì?

 

- Là địa ngục mà trong đó giam chật những thiên thần.

- Hoang tưởng. Vậy thì đất sống của ác quỷ nằm ở nơi nao?

- Nằm đằng sau những lời từ chối.

(Mất Đất).

Lời tỏ tình vừa thông minh, dí dỏm  và rất bông lơn theo một kiểu của Hồ Đình Nghiêm.

Đến với văn chương như một cuộc nhàn du, khi trả lời một câu hỏi là viết văn vì hoài bão hay là một thú tiêu khiển? Hồ Đình Nghiêm trả lời hoài bão thì chưa hề toan tính, còn thú tiêu khiển thì phải sửa là hành xác đúng hơn, và tường thuật thật ngắn chuyện khởi đầu cầm bút …cho đến bây giờ:

“ Chuyện như thế này: Tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1978. Bỏ nhiệm sở vì không thích làm cán bộ Thông tin văn hoá. Lấy vợ, sinh con và gia đình vợ cho tiền bồng bế nhau vượt biên năm 1980. Qua Hong Kong, chạm mặt đời sống mới, giấy bút khi ấy giúp tôi làm nhẹ nỗi buồn. Hoàn cảnh đó, hội họa không thiết thực bằng văn chương. Trong trại tị nạn, cách giết thời giờ hữu hiệu nhất là đùa cợt với chữ nghĩa. Cứ thế mà mình "lậm" hồi nào không hay. Nghĩ cho cùng, tôi không chọn nghiệp mà cũng chẳng lập nghiệp. Vui thì đậu mà buồn thì bay.”

Chính cái tâm vô vọng cầu đó cùng với cái nhìn sắc sảo thông minh dí dỏm đã tạo ra một bút pháp thú vị. Truyện và Chuyện của ông có trinh thám, hình sự, diễm tình, dục tính, bi kịch, tiếu ngạo và cả hồi ký nhưng đều được kể lại hồn nhiên như kẻ “đứng bên lề”, thanh thản như “chẳng có gì đáng để ý” nhưng lạ sao, người đọc thấy như mình có mặt  trong những dòng chữ đó, và chắc người đời sau, khi đọc ông, sẽ thấy hiển hiện được nhiều góc cạnh chân thực của cuộc sống nửa thế kỷ từ sau 1975 cho đến 2023. Đã được như vậy, thì còn gì hơn.

 

Tác phẩm của Hồ Đình Nghiêm làm tôi nghĩ tới một công án Thiền, đó là Thập Mục Ngưu Đồ, ông đã tự vượt qua các giai đoạn Thấy dấu,  Tìm trâu, Thấy trâu, Chăn trâu.. để rồi Nhập triền thuỳ thủ (Thõng Tay Vào Chợ):

Nhập triền thuỳ thủ

Lộ hung tiển túc nhập triền lai

Mạt thổ đồ khôi tiếu mãn tai

Bất dụng thần tiên chân bí quyết

Trực giáo khô mộc phóng hoa khai

Bản dịch của Tuệ Sĩ:

Thõng Tay Vào Chợ.

Chân trần bày ngực thẳng vào thành

Tô đất trét bùn nụ cười thanh

Bí quyết thần tiên đâu cần đến

Cây khô cũng khiến nở hoa lành. 

Xin thứ lỗi cho tôi, một kẻ thiểu học về Thiền khỏi phải chú giải nhiều lời về bài kệ, hơn vậy, tôi cũng không hề đọc một truyện hay chuyện nào của Hồ Đình Nghiêm về đề tài này, nhưng cái hình ảnh của một người đi vào chợ (Đời…) không mang theo một thứ gì để bán (Kiến văn, kinh nghiệm, triết lý, đạo đức…), cũng chẳng mang theo một cái túi giỏ nào để mua (danh vọng, lợi quyền…) làm tôi nghĩ tới những điều Hồ Đình Nghiêm viết xuống và phổ biến từ hơn bốn mươi năm qua. Tôi nghĩ ông là một nhà văn có sức cuốn hút lớn, và là một trong số ít người viết văn hay nhất của hải ngoại sống cùng thời với ông. Trân trọng ông.

 Nguyễn Minh Nữu

Virginia, tháng 6/2023


NGUYỄN MINH NỮU: Hoài Ziang Duy, từ rừng An Lộc đến núi đồi Virginia.

 



 

Hoài Ziang Duy định cư ở Mỹ năm 1991 sau bảy năm đi lính, bốn lần bị thương và sáu năm tù cải tạo. Khi tinh thần ổn định anh cầm bút trở lại và cộng tác bài vở với các tạp chí Văn Học, Hợp Lưu… và tham gia một tuyển tập của Văn Bút Miền Đông năm 1996. Tới năm 1999 mới xuất bản tập truyện đầu tay Ông Tướng Sang Sông.

 Tôi quen anh trong giai đoạn này, giai đoạn anh chuẩn bị phát hành tập truyện đầu tay. Anh hay ngồi với một người bạn trong Văn Bút tại quán  cà phê Nguyễn Gia Định trong khu thương mại Eden. Dường như đó là lúc Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đang phân hóa cùng cực giữa hai phe Viên Linh ở miền tây và Sơn Tùng ở miền đông thành hai ban chấp hành Văn Bút Việt Nam. Sau đó, Văn Bút Quốc Tế đã dàn xếp để cả hai cùng rút lui, một ban chấp hành khác thành lập với chủ tịch là nhà văn Minh Đức Hoài Trinh. Có lẽ chính cuộc đấu đá giữa hai bên trong Văn Bút, khiến một người mới định cư ở Mỹ như tôi có cái nhìn e ngại với những người trong cuộc.

 

Giang Hữu Tuyên đưa tôi tập truyện và thư mời buổi ra mắt sách. Hoài Ziang Duy đã khéo léo bước ra khỏi cuộc tranh chấp của Văn Bút khi buổi ra mắt sách được giao cho Hội Đồng Hương Châu Đốc tổ chức.

 

Tập truyện có cái tên rất gợi hình “Ông Tướng Sang Sông”. Chưa kịp đọc tập truyện, chúng ta đã lập tức bị cuốn hút bởi cái tâm trạng xót xa, buồn nản, bi thảm và tuyệt vọng của một thế đứng chông chênh, một con đường đi mà không có đích đến mà cũng không có lối quay về. Tập truyện do Xuân Vũ viết lời giới thiệu. Xuân Vũ là tác giả tập hồi ký “Đường Đi Không Đến” càng khiến tôi đinh ninh đây sẽ là tập truyện về những  người lính chiến đấu đơn lẻ và  vô vọng từ một cuộc chiến bị phản bội hồi năm năm về trước.

 

Nhưng không phải vậy, “Ông Tướng Sang Sông” nói về một một cuộc chiến khác, khốc liệt và bi thảm, thầm lặng nhưng không kém xót xa là chính  trong nội tâm của con người. Sẽ đề cập tới tập truyện này trong phần sau.

Hoài Ziang Duy tên thật là Thái Sanh Lợi, sinh năm 1948 tại Châu Đốc, nhập ngũ năm 1968 học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường, là một sĩ quan tác chiến thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh.  Khi mang cấp bậc Trung Úy, và nắm chức vụ đại đội trưởng, Hoài Ziang Duy đã là một mũi tiền phương dẫn quân vào giải tỏa thị xã An Lộc, thuộc tỉnh Bình Long. Trận đánh khốc liệt và bi tráng đó in dấu rất sâu trong ký ức của anh, những khu rừng xanh đất đỏ của miền đông, những mẫu người dân hiền hòa chịu đựng  bom đan chiến tranh và cả những đồng đội bên nhau mà đa phần đã đến nơi đây nhưng không thể trở về.  Bút ký Chia Nửa Vầng Trăng của Hoài Ziang Duy là một bút ký chiến tranh viết về mặt trận An Lộc vào mùa hè đỏ lửa 1972 rất chân thật, xúc động và xuất sắc.

Cầm bút và kiếm sống bằng ngòi bút từ thời rất trẻ. Trong lần trả lời phỏng vấn của Lương Thư Trung, Hoài Ziang Duy tâm sự:

 “Những người viết văn làm thơ sớm, là mang khổ lụy vào thân. Kể ra khoảng thời niên thiếu học trung học, tôi đã viết truyện để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của bản thân mình, nhiều hơn là lo học. Cũng may là đường khoa cử cũng trơn tru. Hồi đó mỗi lần một truyện đăng báo, được trả 300 đồng (Thời giá may một cái quần tây vải Dacron là 300, một cái đồng hồ hiệu Telda, hay Luran là 350 đồng). Đăng ở nhật báo Tia Sáng, Ngày Mới, Dân Ta, Dân Tiến, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Sống, Sóng Thần, Đời, và các tạp chí văn học… Năm học lớp Đệ Nhị, tôi được giới thiệu thơ và tác giả trên đài phát thanh Sài Gòn (Chương trình Tuần báo Nghệ thuật Truyền Thanh). Sau này đi lính thì chỉ còn có thì giờ viết cho các tạp chí. Tôi thường xuyên viết cho tạp chí Trình Bầy của Thế Nguyên. Đời sống tôi rất cô độc (con út trong một gia đình, mất mẹ lúc lên 5, 6 tuổi). Sống ở đơn vị mà chỉ viết báo ngoài để lãnh tiền, khi về Sài Gòn thì ghé qua lấy.”

 Sống được bằng nhuận bút từ khi còn đang là học sinh trung học là một điều hiếm hoi và kỳ lạ vào cái thời mà chúng tôi lớn lên.  Cầm bút từ năm 1965, khi vừa 17 tuổi, Tính tới thời điểm hiện tại, Hoài Ziang Duy xuất bản được 5 tác phẩm gồm:

-        - Ông Tướng Sang Sông.  Truyện, 1999

-        - Lối Đi Dưới Lá Đời Thà Như Mưa.  Thơ, 2007

-        - Bốn Ngàn Năm Chen Lấn. Truyện, 2010

-        - Những Bài Thơ Tháng Tư. CD ngâm thơ,  2014.

-        - Còn Không Chốn Quay Về. Tự Truyện, 2017

-        - Đứng Tựa Bên Đời, Thơ. 2019.

Giữa thơ và văn, Hoài Ziang Duy tự nhận định mình thích làm thơ hơn, anh đã tâm sự:

“ Còn thơ tôi, những lãng mạn, nồng nàn thiết tha như anh thấy trong nhận xét. Quả tình tôi cũng yếu đuối sống thật với chính mình qua những bài thơ. Khác với thực tế sống bên ngoài, đời sống tôi chừng mực, trật tự, không có lối buông thả, rượu chè (có lẽ vì vậy mà tôi ít có bạn bè, ít hình tượng làm dáng của một văn nghệ sĩ). Tôi vẫn thích làm thơ hơn, bởi nó trang trải những cảm nghĩ rung động kịp thời, hơn là một bài văn đòi hỏi sự chuẩn bị sống cho nhân vật, không phải sống thật với mình.”

Có một số bài của Hoài Ziang Duy lênh đênh nỗi nhớ, mang mang tiếng vọng một quê nhà:

“Đường hẹp quê nhà ta bắt nhớ

Cuộc đời ai hát nhịp cầu tre

Hôm nay đường rộng quan san bước

Then cài ai khép đứng ngoài khe”

(Đã lỡ cơn đau ngày bóng xế, LDDL trang 15)

 Hay  nói về những chuyến khởi hành  mà không cần đích đến:

“Đi di tản là đi tản mạn

Hành trang mang chỉ một chữ đi

Ngó thấy không gian ngồi phía trước

Sao trời chung mệnh chiếu Thiên di

 Đi bỏ nước ca câu mất nước

Lễ nghĩa xưa quân tử gánh gồng

Trứng trăm con nở tràn bọt nước

Mới hay sĩ khí thổi ngoài sông”

(Đi, LDDL trang 25).

Thơ hay, nhiều chất trữ tình, thiết tha nhưng có lẽ tâm huyết của Hoài Ziang Duy lại là phần Văn. Ở đó, Ông tạo hình nhân vật, xây dựng tình huống và thể hiện văn phong biệt dị tạo ra những tác phẩm có bản sắc rất riêng.

Thí dụ như tập truyện “Ông Tướng Sang Sông”, nhà văn Xuân Vũ viết trong lời giới thiệu đầu cuốn sách: “ Lối viết của Hoài Ziang Duy là một lối viết lạ kỳ, không giống ai, hoặc tôi chưa từng thấy giống ai trong nghệ thuật viết truyện ngắn. Cái lạ kỳ nầy có hai nhánh. Lạ kỳ quái gở và lạ kỳ nghệ thuật. Truyện cùa Hoài Ziang Duy nằm ở nhánh thứ hai .”

Ông Tướng Sang Sông là tập gồm 11 truyện ngắn, với tựa của Xuân Vũ, bạt của Phạm Thăng. Cảm giác đầu tiên khi đọc tập truyện này là không có địa danh xẩy ra, không có thời điểm xẩy ra, không có nhân vật chủ chốt, không có những biến chuyển kịch tính và cũng không phải là một đoạn văn êm êm nhẹ nhàng. Thực ra những biến động trong chuyện đều khởi từ tâm tư suy nghĩ của các nhận vật trong truyện kết nối với nhau bằng những câu trao đổi ngắn để mô tả diễn tiến câu chuyện.

11 truyện đó, qua đối thoại nhân vật, chúng ta hiểu được những chuyện viết giữa chiến tranh như: Cành Lá Ưu Phiền, Bên Trường Giác Đấu, Mù Sương Cũng Biết Mơ. Có những truyện viết về thời điểm sau khi chiến tranh chấm dứt, ghi những hậu chấn cuộc đời người chiến bại khi còn ở Việt Nam như Trời Như Nhỏ Lại, Ông Tướng Sang Sông, Mỗi Ngày Mỗi Xa, và những truyện viết khi thời gian là ở Mỹ, không gian là ở Mỹ nhưng tâm tư vẫn là những vệt đen ám ảnh  mang theo đất nước xa vời như: Người Chôn Ký Ức, Đâu Cõi Đi Về, Đám Tang Chữ Nghĩa… Là 11 truyện với các góc thấy khác nhau, nhưng sẽ nhận thấy rất rõ ba điều:

1/ Có một xuyên suốt chung với nhau là cái ám ảnh bi thảm của chiến tranh mà tác giả đã trải qua theo tôi nghĩ là những cánh rừng đẫm máu của thị trấn An Lộc năm 1972, trận chiến mà tác giả đích thân tham dự. ám ảnh đó, tâm trạng đó kéo dài từ truyện đầu đến truyện cuối, kéo từ An Lộc máu đổ thịt rơi đạn bom gầm rú cho tới cảnh sống  nhẹ nhàng, đon giản giữa núi đồi Virginia  ở những truyện cuối cùng.

2/ Những đối thoại mông lung, hời hợt, hờ hững và có vẻ như vô tình với nhau trong truyện lại là những điển hình rất sát với thái độ buồn thảm và chán nản tới độ chẳng muốn nói ra của các nhân vật như những cái bóng xuất hiện trong chớp mắt rồi mất tích giữa màn đêm.

3/ Tất cả các truyện hầu như không thể tóm lược cốt truyện, Tôi nghĩ đây là một cố ý của tác giả, Ông đã đưa vào truyện cái nghĩ  của nhân vật, của nhiều nhân vật. Những tình tiết xẩy ra  như những con rối trong Đèn Kéo Quân, chập chờn hiện ra  và bắt độc giả phải hóa thân vào truyện , nhập vai bất kỳ nhân vật nào để tự tìm cái kết luận riêng mình.

 

Truyện chính được lấy làm tên cho toàn tập là truyện “Ông Tướng Sang Sông”. Trong truyện không có ông Tướng nào, cũng chẳng có sông nào, truyện kể về một người đàn ông (chắc vừa được tha từ tù cải tạo) về bốc mộ cha dưới quê  đem về thành phố (Có lẽ để an vị đâu đó trước khi đi xa). Trên chuyến xe khách về lại thành phố, anh ta ngồi cạnh một cô gái xinh đẹp buôn thuốc lá lậu, khi gặp trạm kiểm soát, cô ta tạm mượn anh làm chồng để tránh khám xét. Khi cô gái xuống xe tại khu vực qua phà, cô ta mời anh vào nhà cũng là quán của cô ta tạm nghỉ ngoài sân chờ tới sáng qua phà. Ở đó anh ta gặp anh ruột cô gái, cũng là lính chế độ cũ, là thương phế binh, đang hành nghề bán thuốc nam trị bệnh thận (cũng là thuốc lậu và lại là thuốc giả luôn). Vài câu chuyện vô thưởng vô phạt và chia tay. (Những dòng chữ trong ngoặc là những cái tôi đoán)

Vậy thì cái ý của câu truyện này là gì? Chắc mỗi người sẽ có một nhận định riêng. Còn riêng tôi, chính cái tựa câu chuyện là ý chính, cảm giác rã rời, vô định, và buông thả bỏ mặc cuộc đời trôi nổi bởi vì con chốt qua sống là con chốt thí, huống hồ Ông Tướng vốn không thể ra khỏi bốn ô vuông của một bàn cờ, mà nay phải đẩy ra thế sang sông thì chỉ là cái xác không hồn.

Nhưng tôi lại tìm thấy  câu trả lời cho truyện đó, hay khác hơn cả tập tuyện đó, trong đoạn kết của câu truyện cuối cùng: Đám Tang Chữ Nghĩa. Đoạn kết truyện đó như sau:

 “Ông nói tôi mang dùm ông tất cả sách báo ra trước hiên nhà. Cầm lấy diêm quẹt trong tay. Bàn tay ông run run, cúi xuống châm lấy mồi lửa. Lúc này đây, tôi thấy đau lòng quá, không thể một phút hủy đi cả một đời sống riêng tư dằn vặt. Tôi muốn ngăn lại, muốn duy trì sự tồn tại đã có từ trước. Nhưng ông bảo:

_ Không cần thiết nữa con ạ.

Ánh lửa bốc lên, càng lúc càng lên cao, ông vẫn ngồi đó. Trên chiếc xe lăn, giọt nước mắt chảy đi trên đôi má già nua. Ông vẫn sống, sống sừng sững bằng thân phận chính mình.

Nhưng với tôi. Lúc này ông đã chết. Một cái chết thật dịu dàng.”

Để kết luận bài viết lan man về Hoài Ziang Duy này, xin trích lại một đoạn bài trả lời phỏng vấn của anh với Lương Thư Trung (Tạp Chí Da Màu) trong đó khi nhắc đến một truyện ngắn đắc ý của anh, sau đó được dùng để làm tựa đề chung một tập truyện: “Bốn Ngàn Năm Chen Lấn”. Câu trả lời của anh ghi một kỷ niệm với người viết bài này:

“Thưa anh, thường thì trong một tập truyện, sẽ lấy một câu chuyện cho là ưng ý nhất để làm tựa sách. Với tôi không hẳn là vậy, dù truyện BNNCL đầy đủ hình ảnh cuộc sống mới lạ của người dân hai miền, sau ngày mất miền Nam, và nối tiếp thực tế một đời sống thực của người trẻ, người già trên xứ người. Truyện hợp với tâm tư tình cảm tôi lại là truyện Nhân gian một chỗ, một thời ấu thơ của tôi, và hình ảnh ba tôi ngồi  trên cái bục xi măng trước nhà  đợi chờ con đi tù về, là một ám ảnh khôn nguôi.

Nhân nhắc đến cái tựa truyện Bốn Ngàn Năm Chen Lấn, tôi kể anh nghe chuyện nầy. Cách đây mấy năm trước, (khoảng năm 1998) tuần báo Văn Nghệ (số 2, số 3 gì đó), ở tiểu bang Virginia có xin bài truyện nầy đăng báo. Cũng tuần đó, một tờ báo trong vùng này cho đăng một thư nói là thư độc giả (viết tay, nhưng nặc danh không ghi tên, địa chỉ), kêu gọi tẩy chay tờ báo Văn Nghệ (của Nguyễn Minh Nữu) vì đăng bài truyện tựạ này (nhưng không nói tên tác giả HZD) cho là bôi bác cộng đồng vì có đoạn đề cập đến chuyện ca sĩ VN sang hát, con thì đi coi ở trong, cha thì ở ngoài biểu tình, và đưa tên ca sĩ (trong truyện tên Thu) là trùng hợp với tên ca sĩ thứ thiệt.

Tuần sau đó tờ báo Văn Nghệ lên tiếng cho biết là truyện ngắn này đã đăng trên tạp chí Văn Học ở Cali cách đây một năm (bây giờ  báo Văn Nghệ đăng lại). Như vậy rõ ràng là nội dung hư cấu viết trước đây một năm lại trùng hợp với sự kiện nầy, một năm sau. Như anh thấy đó, chỉ một cái tựa tức cười và nội dung gây ra chuyện, thì thôi chi bằng lấy nó làm tên bìa sách cũng đáng phải không?

Những ngày này Hoài Ziang Duy đang nằm bệnh, đang dược chăm sóc trong vòng tay yêu thương của người bạn đời Đỗ Bình (bút hiệu Phương Thảo Huyền) và 2 người con gái của anh, Thái Thảo Uyên và Thái Đông Phương.

Tôi và Phạm Cao Hoàng vừa đến thăm anh. Về nhà, tìm trong kệ sách đọc lại một số tác phẩm tiêu biểu của anh. Yêu thương văn tài và trân quý những điều anh ấp ủ. Vừa đúng 50 năm trôi qua từ khi Trung Úy Thái Sanh Lợi , dẫn đại đội anh dũng vượt bom đạn đi vào vùng đất Bình Long giải tỏa cho thị trấn An Lộc, cho tới ngày nay, dù sống an vui với sự chăm sóc tận tình của vợ con giữa núi đồi Virginia, lòng anh vẫn còn cánh cánh như câu thơ anh viết xuống:

 -“Biết về đâu gọi hồn người năm cũ

Máu xương hề đàn dạo khúc bi thương

Mấy mươi năm một kiếp đoạn trường

Sao vơi được nỗi buồn đau ấp ủ.

(Hình Như Có Điều Không Thể - Thơ HZD).

Xin gửi tới anh một lời chúc an lành.

 

NGUYỄN MINH NỮU.

May 23, 2022

 

 

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...