CON
TRAI CỦA THỦY THẦN
Thất
Sơn là tên gọi chung bảy ngọn núi huyền thoại ở tỉnh An Giang gồm: núi Cô Tô
(Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài (Ngọa
Long Sơn), núi Dài Nhỏ hay núi Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn)
và núi Nước (Thủy Đài Sơn).
1
Ông
Tư Thời năm nay có lẽ đã trên 80. Ông sinh ra và sống bám vào vùng đất này từ
thời thơ ấu đến nay. Ngồi bên tách trà nhâm nhi nhìn mưa gió tối trời tối đất của
tháng 9 trên vùng núi non hùng vĩ của Thất Sơn, bỗng sinh lòng hoài cổ cảm khái
kể lại như thế này.
Vào
một năm lâu lắm rồi, lúc đó vùng Thất Sơn còn rất hoang tịch, dân cư thưa thớt,
giao thông vẫn còn trông cậy vào xe ngựa ở trên bờ, và thuyền ghe dưới bến, sâu
vào phía sau núi Ông Két, có một ông già sống đìu hiu một mình bên cạnh một mô
đất lớn. Ông Tư nhấn mạnh, “Mà ông già đó còn già hơn ông nội tao nữa nghen
bây”. Nhờ vào những nén hương thắp mỗi buổi chiều tàn, người ta mới hiểu đó là
một ngôi mộ, nhưng là một ngôi mộ khá lớn so với kích thước bình thường. Ông
già đó sống ở đó từ hồi nào và bao lâu rồi thì ông nội tao cũng không biết rõ.
Người ta thường gọi ông là Thầy Tám Rắn, vì ông rất giỏi về thuốc trị rắn. Dân
địa phương và các vùng lân cận nếu ai bị rắn cắn, miễn là còn sống cho tới khi
gặp thầy Tám là coi như người đó sống. Cách chữa trị của ông cũng lạ kỳ, có người
bị rắn cắn hấp hối, khi gặp thầy Tám chữa trị xong, sống lại rồi kể lại. Khi
khiêng bệnh nhân tới, thầy Tám kêu để trên bộ ngựa giữa nhà rồi đuổi thân nhân
ra ngoài hết. Sau đó, thầy Tám đưa tay ra vuốt ngay chỗ rắn cắn. Từ trong vết
thương rỉ ra một vệt nước đen đặc sánh chảy ra tay thầy, người bệnh cảm thấy nhẹ
nhàng liền, chút xíu sau là các vết sưng xẹp xuống, và sinh hoạt bình thường.
“Ông
nội tao hồi còn thanh niên bị rắn cắn, cũng đã được thầy Tám cứu, vậy mà khi
tao lớn lên, thành thanh niên mười bảy mười tám tuổi cũng còn thấy mặt thầy Tám
thì tao cũng không biết ổng già cỡ nào?”
"Lúc
đó lóng chừng khoảng giữa tháng 10, trời mưa hoài, mà lại giữa mùa nước lớn. Một
bữa vào buổi chiều, trời cũng đang chạng vạng, tao vừa ngoài ruộng về, bỗng thấy
sấm chớp sao quá lớn, nhứt là sét đánh gì đâu mà tứ tung, khắp trời như sao xẹt…
Tao hoảng hồn kiếm chỗ núp sao mà bất ngờ chạy tới ụ rơm kề ngay ngoài vườn nhà
thầy Tám. Tao hoảng hồn khi thấy trong nhà thầy Tám đông người quá, mà người
nào người nấy bận đồ như hình mấy ông Hộ Pháp trong chùa. Có hai người quay mặt
ra ngoài nên tao thấy rõ họ chỉ là những chàng thanh niên cỡ chừng hai chục tuổi,
khuôn mặt sáng láng, họ đang nói chuyện bàn bạc gì đó chung quanh thầy Tám. Còn
thầy Tám thì nằm trên bộ ngựa… không biết bệnh gì và còn sống hay không? Thiệt
tình thì tao cũng muốn chạy vô thăm hỏi, nhưng sợ sấm sét inh trời mà sao nhiều
tia chớp như phát ra từ trong căn nhà đó nên chưa biết tính sao. Chợt tiếng sấm
thiệt lớn nổ như ngay trên đầu mình, tao té lăn bất tỉnh... Tới chừng tỉnh dậy
cũng đã nửa đêm, dòm ra thì căn lều thầy Tám cũng không còn, chỉ thấy trên đó
là một ụ đất lớn như ngọn đồi, mà bây giờ tụi bây thấy đó, hai ngọn đồi nằm
song song bên núi ông Két".
2
Ngôi
chùa đìu hiu lắm, bốn bức tường rêu phong cũ kỹ, chính điện chỉ là một cái kệ
xây cao, trên đó pho tượng Phật bằng gỗ mít lâu ngày đã sẫm đen như hắc ín. Vị
lão tăng khoác tấm áo nâu bạc màu, thân hình gầy ốm, chỉ có tia mắt là sáng.
Khi
nghe khách kể lại những lời ông lão Tư Thời kể về sự tích hai ngọn đồi bên cạnh
núi ông Két, vị tăng từ tốn gật đầu xác nhận, và nói ông Tư Thời kể lại đúng
đó, đúng nhưng chưa đủ. Ông Tám đó là Long Thần, nên nọc rắn nào khi móng rồng
vuốt vào thì độc cách mấy cũng phải ứa ra thôi. Ngôi chùa mà ông đang đứng đây
là ngôi chùa xây dựng từ trăm năm nay, ngoài chính điện thờ Phật, phía trái,
chúng tôi vẫn có bàn thờ Long Thần. Sự
tích vị Long Thần này chính là sự tích Ông Thầy Tám Rắn. Tổ sư khai sơn của
ngôi cổ tự này là tổ sư ba đời của tôi, đã ghi rất rõ nguồn gốc của hai ngọn đồi,
của Long Thần được thờ trong chùa, tôi xin kể lại ông nghe.
Thủy
Thần biển Đông có 9 con trai, và ông Tám Rắn đó chính là người con trai thứ tám
phụ trách thông thương cho cửa Ba Thắc. Nhiệm vụ của họ là mỗi ngày đi vào đất
liền bằng chín lối khác nhau. Mỗi khi đi vào, họ hóa thân thành luồng nước lớn,
những lớp vảy là những con sóng bạc, khi họ đi vào là nước thủy triều dâng lên,
vừa làm lòng sông sâu thêm, vừa làm bờ sông mịn láng, và khi lên tới đầu nguồn,
họ quay về biển Đông, đó là khi người ta nhìn thấy nước triều xuống. Hàng ngày,
thủy triều lên xuống tạo cân bằng cho sinh thái tự nhiên và là hoạt động của
thiên nhiên chi phối và hỗ trợ con người. Những Long Thần này còn làm ra những
cơn mưa tưới cho vùng đồng ruộng bát ngát của đồng bằng miền Nam. Khi cất lên
cao để tạo mưa, rồng nhả từ trong miệng ra viên trân châu là linh khí của mình,
viên trân châu xoay tròn tạo ra những tia sáng lấp lánh mà chúng ta thường gọi
là sét, cùng lúc với tiếng reo vang của Long Thần trở thành tiếng sấm. Công việc bình thường từ muôn đời tới nay vẫn
êm đềm trôi chảy cho tới khi…
3
Bát
lang thong thả vượt dòng nước trôi đã nửa ngày. Tháng này đang là mùa nước nổi,
lênh láng khắp nơi là những đợt nước từ đầu nguồn mưa lớn chảy xuống, chưa thể
chảy ra biển nên tràn vào các rừng cây mọc thấp. Dòng sông bây giờ không chỉ là
một dòng nước chảy giữa hai bờ, mà rất nhiều nơi bát ngát mênh mông như một biển
giữa đồng bằng. Bát lang lúc thì bơi giữa dòng, lúc thì nép hẳn thân mình vào
núi đá. Phong cảnh xanh tươi của núi rừng thấp thoáng xa xa là những cánh đồng
lúa thơm bất tận. Vui vẻ trong lòng, chàng bay hẳn lên cao, nhả hạt trân châu
cho xoay giữa hai chân vờn múa tạo ra những cơn mưa. Đùa giỡn một lúc, chàng từ
từ ghé lại đỉnh núi Cấm, rùng mình biến thân thành một chàng trai, đứng trên vồ
đá dựng cảm khái nhìn xuống bình nguyên.
Xa
xa trong tầm nhìn của chàng là cánh đồng lúa xanh rì, thấp thoáng vài mái nhà
tranh, làn khói lam nhẹ bốc lên trong thời điểm chuẩn bị bữa ăn chiều.
Bỗng
Bát lang nhìn thấy một bóng người giữa đồng, kín hở trong cái chòi lá chênh
vênh. Khuôn mặt thì không rõ, nhưng dáng diệu dịu dàng trong từng cử động nhẹ…
bỗng làm chàng xúc động.
Với
phép thần thông có sẵn, Bát lang lại biến mình thành một cánh chim, bay từ đỉnh
núi xuống ven cánh đồng, rồi hiện ra với vóc dáng một chàng thanh niên dân dã,
đi xăm xăm về phía chòi tranh.
- Này cô gái, sao cô ở đây một mình? Cô không
biết là trời gần tối rồi sao?
Cô gái ngước mặt lên, khuôn mặt trắng hồng và
đôi mắt to đen ngạc nhiên:
- Ông là ai? Một mình là sao khi ruộng lúa này
là ruộng lúa của quê hương tôi. Chung quanh còn có xóm giềng làng nước, trên dưới
còn có đất trời, trái phải còn có thánh thần hai bên. Nếu hỏi tại sao chỉ có một
mình thì hãy hỏi về ông đó. Ông là người lạ mặt với thổ ngơi này, gần tối rồi
sao lưu lạc đến đây?
Bát
lang đỏ mặt:
- Chỉ là ta lo cho nàng thân gái dặm trường
nên muốn giúp nàng... muốn đưa nàng về nhà thôi…
Cô
gái cười:
- Hãy coi lại mình đi chàng trai xứ lạ. Đây là đâu và chàng là ai? Ruộng đồng xanh
ngát này đâu phải là chỗ cho những người mặt trắng như công tử con nhà giàu, đất
bùn sình này đâu phải là nơi dành cho bộ quần áo trắng trơn như chàng….
Bát
lang thấy máu chạy rần rật nơi mang tai, mặt nóng bừng như hơ trên bếp lửa và
miệng khô cứng như ngậm phải trái bồ hòn.
Chàng
lúng túng:
- Vậy
ta có thể làm gì giúp nàng hay không?
Cô
gái vẫn cười, lúng liếng đôi mắt bồ câu, cái lúm đồng tiền càng sâu hơn khi cô
ta cười trêu ghẹo:
- Có
chứ, chàng có thể làm cho cái nhìn của em thân thiết hơn bằng cách bôi chút
sình lên khuôn mặt để giống con trai vùng núi Cấm, có thể trộn màu quần áo tinh
tươm kia với nước phù sa để đồng điệu với dân quê…
Cô
gái nói như đùa, và cười như người bạn thân thiết. Nhưng ngay lúc đó lại tới giờ
về biển. Viên trân châu linh khí của loài rồng trong bụng chàng bắt đầu réo gọi
bằng những chuyển mình cuồn cuộn. Nếu là bình thường thì lúc này Bát lang chỉ
việc rùng mình một cái, trở lại hình dáng long quân và nhào xuống dòng nước bơi
về biển theo đợt nước ròng. Nhưng Bát lang không muốn vậy, chàng đưa tay chặn bụng
mình lại và tìm lời đối đáp, chuyện trò với cô gái mới quen.
- Nếu ta làm theo ý nàng thì… nàng bằng lòng để
ta đưa nàng về nhà chứ?
- Chưa đâu, vì chàng đã biết em tên gì đâu…
- Nàng tên gì?
- Chèng ơi, hỏi tên người ta dễ dàng vậy sao, vậy
chàng tên gì?
Bát
lang luống cuống hơn, ai cũng gọi chàng là Bát lang, vì chàng là con trai thứ 8
của Thủy Thần, còn chàng tên gì chàng chưa bao giờ biết tới…
- Ta... ta thứ Tám.
Viên
trân châu linh khí không để yên cho Bát lang chuyện trò nữa, nó nhồi lên nhồi
xuống, chạy ngang qua, ngang lại làm Bát lang cố gắng đưa tay ngăn chặn không kịp
nữa.
Chàng
biết rõ, nếu không gồng sức chịu đựng, viên trân châu sẽ vọt ra cửa miệng là
chàng lập tức hóa thân thành rồng, nên càng cố gắng cắn răng lại và ôm bụng chịu
đựng. Mồ hôi toát ra đầm đìa khắp toàn thân và Bát lang ôm bụng lăn lộn trên bờ
ruộng. Cơn đau làm Bát lang mê mệt, Bát lang thiếp đi, trước khi chìm hẳn vào
cơn mê, chàng vẫn còn ý thức được vòng tay trìu mến của cô gái nâng người chàng
lên và đôi mắt bồ câu long lanh lo lắng nhìn vào mắt chàng.
Tối
hôm đó, dòng Cửu Long chảy ra cửa biển Ba Thắc đã không có nước ròng, con thủy
triều lên, nhưng chưa chịu ròng xuống, thì nước lại vào vòng chu kỳ nước lớn nữa.
Người ta gọi hiện tượng này là Bán Nguyệt Triều.
Bát
lang tỉnh lại nhìn quanh. Tiếng gọi nhẹ nhàng bên cạnh, anh Tám, anh Tám khỏe lại
chưa? Ăn chén cháo này nghe….
Họ
quen nhau như thế, Bát lang thành anh Tám mộc mạc sống bên người vợ hiền là cô
gái nghèo mồ côi làm nghề gặt lúa mướn bên núi Cấm. Cô gái chỉ biết người chồng
khỏe mạnh của mình bị một cái bệnh kỳ lạ là mỗi ngày hai cơn đau bụng thấu trời,
nhưng sau đó lại bình thường sinh hoạt việc nhà chăm chỉ, chứ không biết gì về
một long quân ở cõi bất sinh bất diệt đang hạnh phúc bước vào cõi người để chịu
sinh lão bệnh tử. Họ sống trong yêu thương, quấn quýt bên nhau cho đến một ngày
cô gái già yếu đi, bệnh hoạn và từ trần. Bát lang chôn cất nàng dưới chân núi Cấm
và cam tâm chịu sống hiu quạnh một mình cho thương nhớ vô vàn người phối ngẫu.
Khi
mang thân xác con người, Bát lang cũng chịu sự chi phối của quy luật con người,
nghĩa là già đi, nghĩa là yếu đi, dòng nước ngày xưa chàng phụ trách mỗi ngày
ra vào từ cửa biển, nay lâu ngày không lưu thông, các gò cát phù sa từ thượng
nguồn đổ về nhô hẳn lên cao, và dòng nước hẹp dần.
Tháng
10 năm đó, Bát lang già yếu lắm rồi, chàng không còn đủ sức kiềm chế nổi viên
trân châu linh khí rồng nữa, cho nên một buổi trưa, khi ngoài trời mưa lớn,
nghĩa là khi các anh em của chàng đang vần vũ trên cao nhả châu làm mưa xuống,
thì trong căn nhà tranh giữa rừng, Bát lang nhả viên trân châu ra khỏi miệng,
viên trân châu bay lên, xoay tròn bốn phía, phát ra các tia sét màu hồng tươi,
quyện cùng các tia sét màu xanh lục, màu vàng chanh, màu vàng cam... của các
anh em khác. Thế là tám anh em của Bát lang đã tìm ra đứa em thất lạc bấy lâu
nay. Lập tức họ hiện thân thành các hoàng tử tụ xuống lều tranh thăm người em
thứ tám. Tám chàng trai trẻ đứng chung quanh một ông già ốm yếu, co quắp trên bộ
ngựa giữa lều.
Đại
lang giận dữ:
- Em sao vậy Bát lang, bỏ nhiệm vụ thiên phong,
bỏ cõi bất sinh bất diệt vì cái gì vậy? Có biết cha và các anh buồn nhớ ra sao
không?
Nhị
lang thì cầm tay Bát lang khuyên nhủ:
- Hãy theo anh về gặp cha ngay, cha cứu được em
mà.
Cửu
lang thì như đứa con nít, quỳ xuống ôm thân hình Bát lang và khóc nức nở:
- Em
không chịu đựng nổi khi nhìn thấy anh xơ xác như thế này đâu... Bát lang hùng
tráng của em ngày xưa đâu rồi?
Bát
lang lờ đờ nhìn các anh em, nước mắt ứa ra từ đôi mắt hóp sâu, da nhăn nhúm.
- Em
sắp tới giờ chia xa tất cả mọi người rồi, em nhớ các anh em nhiều lắm, em có lỗi
với cha, em có lỗi với chức thiên phong, em xin mọi người tha thứ…
Tam
lang ngắt lời:
- Vẫn
còn kịp mà, em là giống rồng, em thoát bỏ kiếp người phù du này đi, hãy về với
cha và các anh em…
Bát lang lắc đầu, em không về đâu...
-
Cái gì làm em mê muội như vậy? Hai ba giọng nói cùng cất lên.
Đại lang hằn học, sao em u mê tới vậy, Bát
lang à, anh không hiểu nổi em rồi. Chúng ta có thần thông, nếu em chỉ yêu nhan
sắc nào đó, em đủ khả năng biến bất kỳ một sinh vật nào thành một nhan sắc vượt
trên mọi nhan sắc của thế gian mà sao em tự hủy mình vì một con người đời sống
phù du như vậy…
- Nếu em không muốn tự làm, anh sẽ làm giúp cho
em, Tứ lang chen vào
Bát
lang buồn bã lắc đầu, lắc đầu nhẹ nhưng cương quyết.
Bất
ngờ một tiếng sấm khủng khiếp vang lên, cả căn lều như sáng rực lên vì lớp hào
quang vàng rực bao trùm cả một vùng.
Tám
chàng trai vội giạt qua hai bên và quỳ xuống, Bát lang từ trên bộ ngựa cũng cố
gượng dậy, nhưng ngay lúc đó một bàn tay đã ngăn lại và tiếng nói trầm hùng
vang lên, "Con trai yêu, con cứ nằm đó đi."
Tám
chàng trai đồng loạt, "Tham kiến phụ vương". Ông già quắc thước đưa mắt
mỉm cười với các con, và phẩy tay, "Các con đứng lên đi. Thằng Tám sao rồi?"
Bát
lang ôm cánh tay của ông già, "Con xin lỗi cha…"
Ông
già gật đầu dịu giọng, "Bây giờ con theo cha về chứ?"
Bát
lang quỳ xuống, im lặng một chút, rồi nói nhỏ, "Thưa cha… không…"
-
Con không về? Ông già bực bội, Giải thích cho cha nghe. Tại sao vậy?
Bát
lang cố gượng dậy, bước xuống bộ ván và quỳ trước mặt ông già, nhưng quỳ sâu,
quỳ lâu mà không nói.
Tám
chàng trai cũng quỳ xuống đồng loạt thưa, "Xin cha từ tâm."
Khuôn
mặt ông già cau lại, hàm râu màu nâu sẫm như vểnh ngược, ông nhìn đăm đăm ngoài
trời xa hồi lâu, rồi dịu dần, hòa hoãn lại, ông nâng Bát lang lên, và dịu dàng:
-
Hãy nói cho cha nghe con nghĩ thế nào?
-
Thưa cha, giọng Bát lang rõ ràng hơn, Cha biết đó, chúng ta là giống rồng, và
chúng ta chịu thiên phong nên chúng ta có thần thông. Thần thông có thể làm
chúng ta hóa thân làm đủ mọi loài hình dáng khác nhau, xấu đẹp, hiền dữ đều có
thể làm được, nhưng có một thứ chúng ta không nhân bản được, vĩnh viễn không
làm được vì ai trong chúng ta cũng chỉ có một cái hồn. Cái Hồn đó là cái bản chất
riêng tư mỗi cá thể, là cái tâm để hành xử thiện ác, và là cái mang theo trong
suốt cuộc luân hồi.
Bát
lang ngừng lại để thở:
-
Chính từ cái tâm đó con biết yêu thương, con biết giận hờn, con biết trách nhiệm
thiên phong, con biết lòng cha và các anh em trìu mến, và con hiểu được tình
yêu. Con yêu em Lành không vì nhan sắc, không vì dục vọng, không vì những lời
nói phù phiếm bên nhau, mà vì tự trong tâm hồn của con và tâm hồn của em Lành
là những phối nhịp dịu dàng như một hòa âm. Ở bên em Lành con được sống trong
hoan lạc và an bình. Em Lành chết đi, nhưng cạnh mộ của em, vẫn là những an ủi
sâu lắng, là những tình cảm thiết tha không ngừng trao đổi với nhau. Con chịu lỗi
với cha nhưng con thật sự hạnh phúc nếu được chết như một con người.
Bát
lang ngừng lại một chút để thở, sau đó nhấn mạnh, "Được chết như một con
người bên cạnh em Lành".
Bát
lang gục xuống chân ông già. Và tất cả im lặng. Im lặng khá lâu. Ông già đứng
giữa lều, tám chàng trai thõng tay đứng chung quanh và Bát lang quỳ dưới đất. Tất cả im lặng. Mọi người chờ đợi cơn thịnh nộ
của Thủy Thần.
Ông
già lắc lắc cái đầu hai ba lần như để tỉnh táo lại, rồi tự tay nâng Bát lang
lên bộ ván. Giọng nói của ông chùng lại:
-
Con à, ta hiểu con rồi. Mỗi cá thể chỉ có một cái tâm, hướng cái tâm tới điều
ác thì thành quỷ sứ, hướng cái tâm tới điều thiện thì thành bồ tát. Nay con đã
tự nguyện hướng cái tâm của mình vào một tình yêu thì con phải được làm con người
thôi. Phút cuối này ta không dùng lời khuyên nhủ con nữa, mà dùng tâm của mình
để chúc con an lạc.
Lại
im lặng một chút, rồi giọng Thủy Thần dứt khoát:
- Ta
đi đây.
Sấm
nổ vang trời, hào quang rực sáng, ông già đã biến mất. Bát lang đã kiệt lực,
tám người anh em nhìn Bát lang trút dần hơi thở cuối. Khi viên trân châu của
Bát lang cạn kiệt linh khí rồng rơi xuống là khi Bát lang từ bỏ cõi trần. Các
chàng trai đồng loạt thoát ra ngoài khi viên trân châu phủ ụp xuống lều tranh tạo
ra một tiếng nổ lớn và hóa thành một ngọn đồi đất phủ lên Bát lang, giống như
ngày trước Bát lang đã sử dụng thần thông để đắp ngôi mộ nàng Lành.
4
Núi
Cấm bây giờ thay đổi nhiều lắm, mới ba mươi năm trước là vùng đất hoang liêu cô
tịch không có lối đi lên, nay thì đường xe hơi đã chạy lên tới gần đỉnh núi.
Nhiều ngôi chùa được xây cất vĩ đại, khang trang.
Ông
Tư Thời kêu thằng cháu nội lấy xe gắn máy chở khách đi thăm các vồ trên núi. Vồ
là những khối đá lớn nhô ra từ núi Cấm, nhiều lắm các vồ với tên mang dấu ấn một
sự tích nào đó. Đường lên các vồ đá quanh co khúc khuỷu với nhiều đoạn lên dốc
cao dựng ngược, nhiều đoạn như lao xuống vực sâu. Có những vồ muốn tới phải
băng qua những lũng, có những vồ phải qua vực, nhưng cao nhất trong các vồ là vồ
Thiên Hậu, lúc nào cũng mờ mờ sương khói, nhìn xuống bình nguyên xa tít tắp dưới
chân. Đi thăm các vồ cũng mất cả ngày, chiều xuống, khách trở lại ngôi nhà của
ông Tư Thời, khách hỏi lại ông Tư Thời, câu chuyện chàng hoàng tử thứ tám của
Thủy Thần nghe sao hoang đường quá, ông có tin chuyện đó hay không?
Ông
Tư Thời trợn mắt, "Bây không thấy cửa Ba Thắc ngày nay đã bị cát bồi lấp
kín cửa sông sao? Cửu Long bây giờ chỉ còn 7 cửa, một cửa do con người xây đập
thủy điện làm bít cửa sông, và một cửa do thiên nhiên tự bồi, và những gò giữa
sông nay đã có diện tích lớn bằng hai huyện trong đất liền".
Sau
đó ông Tư Thời thở dài, nhìn khách:
- Tụi
bây còn trẻ, tin hay không tự ý. Nhưng tin thiêng liêng thì có thiêng liêng,
không tin thiêng liêng... thì vẫn có thiêng liêng mà.
Nói
xong, ông chậm chạp đứng lên, lấy ba cây nhang ra đốt và hướng ra ngoài sân
kính cẩn vái lạy bốn phương trời.
Trời
tối rồi, bên ngoài còn mưa nặng hạt lắm, nhìn xéo qua bên kia, pho tượng Phật
Di Lặc cao tới 34 mét, lừng lững giữa trời, lâu lâu một tia sét lóe lên, sáng cả
khu vực, pho tượng trắng tinh hiện ra bất ngờ như từ cõi trời hạ thế, chỉ một
giây sau cả núi Cấm lại chìm trong bóng đêm u tịch ngàn năm.
Khách
đứng kề bên khung cửa, nhìn ra ngoài, bỗng chợt nhớ tới hồi chiều khi lên vồ
Thiên Hậu, trên vách đá kề bên, ai ghi lại hai câu thơ bằng sơn trắng:
Những vồ đá dựng soi thiên cổ
Nhìn xuống bình nguyên một khối tình
Hai câu thơ hình như muốn mô tả mối
tình của chàng Bát lang với cô Lành, hoặc có khi cũng chỉ trùng hợp vô tình của
khách vãng lai khi lên thăm đỉnh núi, xao động trước cảnh hùng vĩ của thiên
nhiên và sự nhỏ nhoi của thân phận con người, nên xúc động viết nên chăng?
Sự thật thế nào chẳng ai biết rõ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét