Viết về NÔNG SƠN THI TẬP của Trúc Hầu NGUYỄN CAN MỘNG
qua bản phiên âm dịch nghĩa và dịch thơ của NGUYỄN THỊ BỘI CẨN (2023)
Trong tác phẩm biên khảo Từ Điển Tác Giả Hán Nôm Việt Nam do Trịnh Khắc Mạnh (Nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Hán Nôm 1999-2013) làm chủ biên, do Đại Học Quốc Gia Hà Nội xuất bản năm 2021. Tác giả thứ tự 749 là Nguyễn Can Mộng, đã ghi nhận tác phẩm Nông Sơn Thi Tập của Nông Sơn Nguyễn Can Mộng “Nay chưa tìm thấy”.
Trong tác phẩm biên khảo Mục Lục Đề Yếu Phần Hán Văn Nam Phong Tạp Chí 1917-1934 của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, từ trang 124 đến trang 128 ghi lại tên các bài thơ hán văn của Nông Sơn Nguyễn Can Mộng, chép được tên trọn bộ 66 bài thơ chữ hán của cụ, nhưng không có nội dung. Tác giả Phạm Hoàng Quân cũng ghi nhận là hầu như tất cả các bài thơ chữ Hán trong thi tập này chưa bao giờ được dịch ra và phổ biến.
Trong năm 2023, do cơ duyên đặc biệt tôi được một học giả trẻ là Nguyễn Thụy Đan tìm thấy trong thư viện các tập Nam Phong Tạp Chí phần hán văn toàn bộ Nông Sơn Thi tập và chuyển cho tôi bản copy các trang này.
Ngay thời điểm đó, Bà Nguyễn Thị Bội Cẩn là con gái của Cụ Nguyễn Can Mộng cũng truy tìm ra được bản gốc tác phẩm này từ các số báo Nam Phong “185, 186, 187, 188, 189. Tập thơ gồm có 68 bài hầu hết viết theo thể thất ngôn bát cú Đường Luật. Có 1 số ít bài viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú hoặc liên hoàn- Có 66 bài của cụ Nông Sơn, hai bài đối của các bạn thơ.”
Bà Nguyễn Thị Bội Cẩn là chị ruột tôi. Năm nay hơn 80 tuổi, bà là một nhà giáo hơn ba mươi năm đứng trên bục giảng về văn học, nay đã về hưu và dành thời gian cho nghiên cứu và dịch thuật Hán Văn. Bà là con gái của Nông Sơn Nguyễn Can Mộng, bà có thời gian thơ ấu ở bên cha ở quê nhà: làng Hoàng Nông, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình rồi theo chân cha sống ở Hà Nội cho đến khi cụ mất năm 1953. Những ký ức về thân phụ, về nguồn gốc gia tộc và về tác phẩm của cha để lại, đã cho bà những ấn tượng sâu sắc và trân quý gìn giữ suốt đời. Khi về hưu, có thời gian nhiều hơn, bà dồn công sức để sưu tầm, sắp xếp theo thứ tự ngày tháng các sự kiện, con người, biến cố, hoàn cảnh...hệ thống hóa các tương quan tới tác phẩm của cha mình.
Công việc bà làm về Di Cảo của Nông sơn Trúc hầu Nguyễn can Mộng là một việc có giá trị lớn với gia tộc mà lại là một đóng góp thiết thực cho văn học Việt nam trong di sản Văn Học Hán Nôm mà trước nay chưa ai làm cho tác phẩm của Cụ.
Tác phẩm này của bà đã bổ khuyết và chính đính lại rất nhiều những tư liệu viết về Trúc Hầu Nguyễn can Mộng từ trước trên các sách giáo khoa và các bài tưởng niệm cũ.
Là một người em ruột, từng là học trò của Chị từ thời thơ ấu tôi kém chị 8 tuổi) tôi thực lòng ngưỡng mộ công trình làm việc của chị ở tuổi 80 này. Lời giới thiệu và các ghi chú của chị khi dịch các bài thơ trong Nông Sơn Thi Tập làm sáng lên suốt hành trạng của người Cha mà ngoài yêu thương ra, tôi còn luôn giữ được lòng tự hào được là con của người.
Xin được lưu giữ lại cho con cháu sau này như một di sản văn hóa
của gia tộc.
Nguyễn Minh Nữu.
Tháng 5 năm 2023.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét