Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

VÕ PHÚ (Y THY), VIẾT VỀ NGUYỄN MINH NỮU VỚI THUỒNG LUỒNG MẮT BIẾC.

 

 


 

NGUYỄN MINH NỮU VỚI THUỒNG LUỒNG MẮT BIẾC.

 

Cách đây vài tuần tôi có gửi lên trang Facebook của mình một status để giới thiệu hai cuốn sách của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Minh Nữu đó là quyển Ghi Nhận 2020 - Cảm Xúc Của Nhiều Tác Giả và cuốn bút ký Ðất Nhớ Người Thương. Khoảng nửa giờ sau, ông gọi phone cho tôi với nhã ý gửi tặng tập truyện Thuồng Luồng Mắt Biếc.

Thật ra khi mua sách trên mạng lưới Amazon, tôi thấy và tính mua luôn tập truyện, nhưng tôi biết nếu mua một lúc ba quyển sách tôi sẽ đọc truyện ngắn trước và hai quyển kia sẽ còn lâu lắm mới đọc xong. Vì vậy tôi mới chọn mua hai tập bút ký trước. (Tôi vốn thích đọc truyện ngắn hơn bút ký và thơ. Mỗi khi nhận được tạp chí tôi đều xem phần mục lục để đọc truyện ngắn trước, xong rồi mới đến đọc thơ).

Hôm nay, thứ Sáu cuối tuần, vừa đi làm về cô con gái của tôi mở cửa và chìa ra trước mặt tôi tập truyện ngắn Thuồng Luồng Mắt Biếc. Cầm tập truyện trên tay, tôi vội chạy vào phòng riêng và đọc ngấu nghiến. Gần phân nửa truyện ngắn trong tập truyện này tôi đã được đọc trong Tạp Chí Ngôn Ngữ, một tạp chí do Luân Hoán, Song Thao, Nguyễn Vy Khanh, Hồ Ðình Nghiêm và Lê Hân chủ trương. 

 

-oOo-

Vào những năm đầu của thập niên 2000, vùng Hoa Thịnh Ðốn có rất nhiều sinh hoạt văn hóa. Mỗi cuối tuần đều có các chương trình ra mắt sách, văn nghệ, hội đoàn, nhất là chiều thứ Bảy nào cũng có chương trình văn nghệ ở nhà hàng Sài Gòn House trên đường Arlington. Trong những dịp văn nghệ này, tôi có dịp làm quen với một số cô chú bác trong giới văn nghệ. Ở đó tôi hân hạnh biết được nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Minh Nữu. Gặp và biết ông làm chủ nhiệm tờ Tuần Báo Văn Nghệ, một trong những tờ báo đẹp nhất vùng Washington D.C. thời bấy giờ. Ðến năm 2006, tôi được nhiếp ảnh gia Joseph Hòa Phạm giới thiệu trực tiếp với ông ở tiệm phở Xe Lửa của bác Nguyễn Ðình Toàn trong khu thương mại Eden. Lúc ấy ông vui vẻ ký tặng tôi tập thơ Lời Ghi Trên Ðá.

Bẵng đi một thời gian, do tôi bận rộn gia đình và dọn về thủ phủ Richmond chứ không còn ở Springfield nữa nên ít có dịp tham dự những chương trình văn nghệ ở vùng thủ đô. Mãi cho đến khi nhà văn nhà thơ Yên Sơn từ Texas qua vùng Hoa Thịnh Ðốn ra mắt tập truyện ngắn Mưa Nắng Bên Ðời tôi mới có dịp gặp lại ông. Trong ngày ra mắt sách, ông là một trong hai người giới thiệu về tác giả và tác phẩm của nhà văn nhà thơ Yên Sơn. Ngồi nghe ông giới thiệu về cuốn sách rất lôi cuốn (mặc dầu tôi đã đọc qua tập truyện ngắn này trước khi tham dự buổi ra mắt sách. Ông nói chuyện hùng hồn, mạch lạc nhưng rất duyên dáng, lôi cuốn, làm cho người nghe say mê và muốn tìm đọc sách mà ông giới thiệu.)

Ðầu năm 2021, khi tôi in tập thơ Lạc Vào Cõi Thu, tôi đã mạo muội gửi email nhờ ông viết bài giới thiệu cho tập thơ và được ông hoan hỉ.

Hôm nay nhận được tập truyện ngắn của ông, một lần nữa tôi rất vui và vinh dự được ông ký tặng. Theo như những ghi nhận của cuốn sách Thuồng Luồng Mắt Biếc, Nguyễn Minh Nữu sanh ngày 6 tháng Giêng năm 1950 tại Hà Nội. Năm 1954 ông di cư vào Nam và định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1995. Hiện sống tại thành phố Springfield, tiểu bang Virginia. "Tôi sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Saigon và hiện giờ đang sống ở Hoa Kỳ. Sinh ra ở Hà Nội, và rời khỏi Hà Nội khi chưa hình thành ký ức, nên những gì tôi nhớ về Hà Nội là rời rạc, mỏng manh và rất mờ nhạt. Có chăng chỉ là giọng nói và tôi được thừa hưởng từ gia đình. Nhưng tôi lại biết rất nhiều về Hà Nội, bởi vì chung quanh tôi ngay từ thời thơ ấu là những con người của Hà Nội. Mẹ, các anh chị, các bác, các chú, họ đem theo Hà Nội trong tâm tưởng và kỷ niệm, tôi được tiếp nhận một cách vô tình lời ăn tiếng nói, cách cư xử và cùng lúc một đời sống Hà Nội nhiều mộng mơ." (Văng Vẳng Bên Trời Tiếng Hạc Qua, trang 173)

Ngoài những tập truyện và thơ mà tôi đã nhắc đến ở trên ra, ông còn có một CD ca nhạc phổ thơ với tựa đề Về Nơi Chốn đã Rời Xa được phổ thơ của ông. Ðược biết Nguyễn Minh Nữu viết văn từ trước năm 1975 với truyện ngắn đầu tay đăng trên tạp chí Văn xuất bản năm 1971, truyện Một Thoáng Mây Phiêu Bạc. Truyện kể về một người con trai út, một người lính trẻ tên Nhự vì hoàn cảnh thời cuộc nên không biết về đâu khi ngày Tết đến. Chua xót khi tác giả viết: "Nhự bỗng giật mình khi nghĩ đến một bất ngờ nào đó, thí dụ như Nhự tử trận. Xác Nhự sẽ đưa về đâu. Không lẽ đem về nhà anh rể? Không lẽ đem về nhà chị dâu? Hay nhẹ nhàng hơn, suốt một năm có dăm ba ngày phép Nhự cũng chưa nghĩ ra mình sẽ đi đâu." Rồi tác giả kết luận khi tâm sự với đồng đội rằng "nếu lỡ tao có chết, chỉ xin một điều là chết đâu chôn đó." Ðọc truyện ngắn này người đọc sẽ liên tưởng đến thân thế của chàng lính trẻ tên Nhự với tác giả đã từng rời nơi chôn nhau cắt rốn di cư vào Nam rồi đến Hoa Kỳ. (trang 231)

Sau khi "trốn trong phòng" đọc một cách mải miết và say sưa tập truyện ngắn Thuồng Luồng Mắt Biếc tôi thấy ngoài những truyện ngắn, bút ký ra còn có những truyện mang tính hư cấu, và một số truyện chuyên chở triết lý về đạo Phật.

Những truyện ngắn thiên về bút ký những truyện/ký sau đây:

Hà Nội Thứ Tư. Truyện/bút ký này nói về tình bạn giữa tác giả và người bạn học thời trung học tên Cao sau bao năm gặp lại trên đất nước Hoa Kỳ tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, nơi tác giả hiện đang sinh sống. "Chúng tôi ngồi ở sân sau, trời đang là mùa thu, những hàng cây phong từ màu xanh chuyển qua vàng rồi đỏ ối suốt tầm mắt nhìn. Cao chiêu ngụm nước trà nóng, và thở khói thuốc ra mờ mịt. Mùa thu ở Virginia là vậy, chen giữa cái nóng của mùa hè còn sót lại là những cơn lạnh bất thường, trên xe, thường khi mới buổi sáng đây còn mở máy heat thì tới trưa đã phải chuyển qua máy lạnh. Tôi chờ đợi đoạn kết câu chuyện mà Cao vừa kể về Hà Nội, hay nói chung ra, là về Việt Nam, vùng đất ông vừa rời bỏ chưa đầy một năm trước đây. Nhưng Cao im lặng nhìn mông lung." (trang 73).

Trong bút ký Khu Nancy Ở Saigon, ông kể lại về khoảng thời gian và kỷ niệm gia đình ông cư trú tại nơi đây và những người bạn đã quen. "Gia đình tôi cư trú ở khu Nancy. Khu nào có một cái chợ lâu đời và rất nổi tiếng là chợ Nancy. Chợ nằm giữa ranh giới quận 5 và quận 1, hai quận ngăn cách nhau bởi con đường Cộng Hòa, bây giờ gọi là Nguyễn Văn Cừ. (trang 115).

Hay như ông kể về kỷ niệm về những người bạn ở "Số 19 Kỳ Ðồng”. "Ðây là một tòa biệt thự cổ của Pháp, bước vào là một khoảng sân khá rộng, rồi bước tới phòng khách có thể sinh hoạt chung năm bảy chục người, trong nữa là ba phòng dùng làm văn phòng, phòng họp và phòng văn thư.” (trang 125).

Gần nữa là buổi gặp mặt với những người bạn hôm ra mắt tạp chí Quán VĂn số 41 với Ðoàn Văn Khánh, Phan Văn Quang ...vv. vv.... (Hòa Bình Áo Ðen, trang 137)

Và ở những bút ký khác như "Chuyện Cổ Tích Trên Bến Bình Ðông" , "Nhớ Về Long Kiểng", "Cuối Năm Nhớ Mẹ", "Văng Vẳng Bên Trời Tiếng Hạc Qua", "Nguyễn Minh Diễm, Anh Tôi", "Thanh Ca - Tác Ðộng Một Thời", "Bên Bờ Kinh Tẻ", "Khu Phố Ngày Xưa", chúng ta thấy thấp thoáng những kỷ niệm về gia đình, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè và những nơi mà tác giả đã đi qua, sống cùng được ghi lại rất đậm đà tình cảm chứa chan.

Ngoài những truyện đời thường/bút ký ra tôi có thấy vài truyện mang tính thiên về hư cấu. Trong truyện ngắn Thuồng Luồng Mắt Biếc cũng là tựa cho tập truyện này, Nguyễn Minh Nữu giải thích về việc cô Trang, một thiếu nữ đang mang thai bị người trong làng xóm chê trách vì không biết cha đứa bé là ai và cô Trang đã nhảy sông để quyên sinh thì gặp ông lão (có thể là thần Thủy Tề hay Long Vương) nói: "Quay về phía Trang, ông lão nói nhỏ nhẹ, con đừng sợ người thanh niên này là Tử Kim Long, anh ta là một trong các thần tướng của dòng sông này, mấy trăm năm trước khi anh ta còn là một con Giao Long nhỏ, thì con là một cô gái con nhà hào phú ở đầu dòng sông đã bất ngờ cứu anh ta từ một người dân chài, đem về nuôi và thả trong ao nhà tạo nên một mối ân sâu mà anh ta hứa đền đáp . Con thì đầu thai kiếp này kiếp khác, nhưng anh ta thì tu dưỡng và nay thành một thần tướng bảo hộ sông. Anh ta vẫn thường theo dõi con mà con không biết đó thôi. Tới khi bất ngờ thấy con gặp nạn thì ra tay cứu vớt, nhưng tại do số trời nên khi anh ta quấn quanh người con nhằm mục đích nâng người con lên khỏi dòng nước để cứu lại chính là mùa giao phối của giống rồng, cho nên chất nhớt dính quanh người anh ta đã vô tình thâm nhập vào con để tạo nên bào thai trong bụng con. " (trang 98).

Trong Hảo Hán Cuối Cùng, Nguyễn Minh Nữu viết về những "hảo hán" ở Lương Sơn Bạc sau khi tan vỡ, một số đã bị chết, tự vẫn, tìm quên ở núi thẳm rừng sâu, hay sống lay lắt vô định. Có thể ông đã mượn hình ảnh Lương Sơn trong truyện để nói về cuộc chiến tranh Việt Nam chăng? Ông viết: "Thật nhiều đêm trăn trở, tạo chợt khám phá ra rằng mình đòi hỏi quá cao nơi người chủ tướng, và nơi ngọn cờ mình phục vụ. Cái gọi là Thế Thiên Hành Ðạo thực ra chỉ là đòi hỏi công bằng cho một nhóm người chứ không phải là tất cả. Nó nằm trong một guồng máy, cho nên dẫu giết tên tham quan này thì guồng máy sẽ đẻ ra tên tham quan khác, nhu cầu giết đó chỉ hẹp hòi trong tính vay trả mà thôi. Quan điểm công bằng là quan điểm của người hảo hán." (trang 89).

Trong Con Trai Của Thủy Thần Nguyễn Minh Nữu kể lại chuyện ông thầy chữa bệnh rắn cắn có tên Tám Rắn: "Thủy Thần biển Ðồng có 9 con trai, và ông Tám Rắn đó chính là người con trai thứ tám phụ trách thông thương cho cửa Ba Thắc. Nhiệm vụ của họ là mỗi ngày đi vào đất liền bằng chín lối khác nhau. Mỗi khi đi vào, họ hóa thân thành thuồng luồng nước lớn, những lớp vảy là những con sóng bạc, khi h. đi vào là nước thủy triều dâng lên, vừa làm lòng sông sâu thêm, vừa làm bờ sông mịn láng, và khi lên tới đầu nguồn, họ quay về biển Ðông, đó là khi người ta nhìn thấy nước triều xuống. Những Long Thần này còn làm ra những cơn mưa tưới cho vùng đồng ruộng bát ngát của đồng bằng miền Nam. Khi cất lên cao để tạo mưa, rồng nhả từ trong miệng ra viên trân châu là linh khí của mình, viên trân châu xoay tròn tạo ra những tia sáng lấp lánh mà chúng ta thường gọi là sét, cùng lúc với tiếng reo vang của Long Thần trở thành tiếng sấm." (trang 51).

Ở truyện ngắn Thi Thánh, một chàng thi sĩ tên Sinh làm rất nhiều thơ và gửi đi mọi nơi. Trong một lần Sinh không tìm được nguồn thi hứng khi ngồi trước bàn máy computer thì mơ màng thấy "thi thánh" xuất hiện: "Bỗng dưng thấy gió thổi rì rào rồi từ xa bước vào một chàng thư sinh mặc trang phục trắng theo như kiểu cách ngày xưa, đầu đội khăn xếp, mặt đẹp như ngọc, cặp mắt sáng, môi đỏ thật duyên dáng.... Ðất có Thổ công, sông có Hà bá. Giữa mênh mông vô tận của đất trời, có một vùng rộng lớn dành cho thơ văn, trong đó có Thi Lâm là nơi nảy sinh và nuôi dưỡng các mầm xanh văn hóa, ta là người canh gác và ghi chép của vùng đất đó nên được phong làm Thi Thánh, chứ không phải là người làm thơ. " (trang 43).

Ngoài ra, ở tập truyện ngắn Thuồng Luồng Mắt Biếc của Nguyễn Minh Nữu tôi thấy có rất nhiều triết lý của đạo Phật hay thấp thoáng đâu đó là bóng dáng của ngôi chùa, bàn thờ Phật và gia đình, xuyên suốt trong tập truyện. Có lẽ do ông là một phật tử chân chính, nên đạo Phật thấm nhuần trong tư tưởng của nhà văn. Ở truyện ngắn Sư Ông Chùa Núi, kể lại chuyện một người phật tử tu tại gia với Pháp Danh là Chơn Nhã mà người kể tên Minh Thành đã tình cờ gặp lại trong thời gian đại dịch Covid - 19 bùng phát ở ngoại ô dọc theo bờ sông Potomac, con đường mang tên mang Nuisap. Người mà Minh Thành đã gặp ở quê hương cách hơn 40 năm khi ấy Chơn Nhã là một Thị Giả của sư trụ trì chùa. Tác giả viết: "Chơn Nhã nghe đây, tám vạn ngàn pháp môn của Ðức Thế Tôn thì pháp nào cũng là phương tiện để con người tìm được bến bờ an lạc, nhưng đã là con người thì ai cũng phải vào vòng Duyên nghiệp. Có Duyên khởi thì phải có Quả nghiệp." (trang 32).

"Ngôi chùa đìu hiu lắm, bốn bức tường rêu phong cũ kỹ, chính ciện chỉ là một cái kệ xây cao, trên đó pho tượng Phật bằng gỗ mít lâu ngày đã sẫm đen như hắc ín. Vị lão tăng khoác tấm áo nâu bạc màu, thân hình gầy ốm, chỉ có ti mắt là sáng."(Con Trai Của Thủy Thần, trang 51).

Hay như trong truyện ngắn Thuồng Luồng Mắt Biết, khi Lân (con trai của Tử Kim Long) được người bạn gái mới tên Kim dẫn một ngôi chùa để sư thầy giải thích về nguồn cội của chàng, tác giả viết: "Kim dẫn đường cho Lân đi vào phía núi, vượt qua một vài ghềnh thác và con đường nhỏ giữa rừng, thấp thoáng phía xa là một mái nhà nhỏ. Khung cảnh u tịch và tĩnh lặng, phía trước, pho tượng đức Quán Thế m như một giới thiệu đây là nơi tu hành, ngoài ra không một biểu tượng gì khác. Khi Lân bước vào nhà, một không gian thanh vắng trang nghiêm, bàn thờ Phật giữa nhà thoang thoảng mùi hương trầm nh` nhẹ, không một bóng người. (trang 109)

Ở truyện ngắn đầu tay, “Một Thoáng Mây Phiêu Bạc" có đoạn: "Thức dậy, Thúy đến, nụ cười đầu ngày rạng rỡ. Nhự mở cửa phòng nói với Thúy đây là lần giỗ thứ mười bảy của thầy anh, và là lần đầu tiên đứa con trai út giỗ bố. ... Nhự lục giỏ ra nải chuối, hai ngọn nến và thẻ hương. Bày trên bàn thờ. Nhự chỉ biết lễ mà không biết khấn ..." (trang 231).

Và sau cùng trong tập truyện ngắn Thuồng Luồng Mắt Biếc đó là truyện ngắn "Dòng Nước Mắt Xanh" kể về mối tình đầu của chàng thiếu niên tên Nguyên thương thầm một người chị của bạn học tên Hằng."Tối hôm đó tôi nói với Hằng rằng, em yêu chị quá. Nếu phải mất hết để được mình chị hay là mất chị để được tất cả em xon chọn trường hợp một. Hằng cười, nâng mặt tôi lên, em của chị đang làm thơ phải không?" Nhưng vì lý do nào đó (có thể là do tuổi tác) nên Nguyên đã không đến được với Hằng. Sau bao năm Nguyên gặp lại Ngọc, bạn học cũng là em gái của Hằng, cứ tưởng đâu hai tâm hồn cô đơn sẽ có hạnh phúc, nhưng một lần nữa duyên phận không đến dù chị hay em. Nguyên và Ngọc vẫn mình đơn gối chiếc.

Tập truyện ngắn Thuồng Luồng Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Minh Nữu dày 270 trang với 19 truyện ngắn/bút ký. Tranh bìa của Trương Vũ. Chân dung tác giả qua nét vẽ của Ðinh Trường Chinh. Lời tựa của Hoàng Khởi Phong và Kim Oanh. Bạt của Nguyễn Thụy Ðan. Biên tập Trần Thị Nguyệt Mai. Trình bày bìa do Uyên Nguyên Trần Triết. Trình bày ruột sách Nguyễn Thành. Do nhà xuất bản Nhân Ảnh phát hành. Mọi chi tiết xin liên lạc với nhà văn Nguyễn Minh Nữu ở địa chỉ email nuuminhnguyen@gmail.com.

Một lần nữa chúng tôi xin chân thành cám ơn nhà văn Nguyễn Minh Nữu đã ký tặng sách. Xin gửi đến vài dòng viết vội sau khi đọc xong tập truyện và hân hạnh giới thiệu cùng quý bạn đọc tập truyện/bút ký "Thuồng Luồng Mắt Biếc."

 

Võ Phú - Bích Môn Thành 030323

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...